Một số đề thi thử đại học 2021
10:13 - 17/01/2019
Ôn luyện đề giúp các em rèn luyện kỹ năng làm bài thi hiệu quả....
Review con mèo dạy con hải âu bay
Cô trò "Trung tâm Giáo dục Hoa Trạng Nguyên" 61 Tức Mặc đi lễ Chùa Đậu cầu may trước kì thi THPT Quốc gia 2019
ĐỀ 1
I. ĐỌC HIỂU
Cho đoạn văn sau và trả lời câu hỏi
“Bạn sẽ hoàn tất bất cứ điều gì trong đời, nếu bạn không màng ai ngợi khen”. Harry Truman đã nói như thế. Một tư tưởng tuyệt vời. Hôm nay hãy để cái tôi nơi cửa trước khi đi làm và thực hiện tốt công việc. Điều kỳ diệu sẽ xẩy ra. Cho bạn.
Là con người, ai cũng thèm khát sự khen ngợi, công nhận và tán dương. Tất cả chúng ta đều muốn đồng nghiệp biết ơn, cộng đồng tôn vinh mình. Nhưng vai trò lãnh đạo không chỉ là cố gắng trở nên tốt đẹp dưới con mắt người khác. Nó còn là phấn đấu cho một đại nghiệp (như Pablo Picasso nói thêm: “Chính kiệt tác cuộc đời mới là sự hấp dẫn cao nhất”). Vai trò lãnh đạo nghĩa là thực hiện công việc theo cách tốt nhất, là khiến cho người khác tốt đẹp hơn so với trước khi họ gặp bạn, là không quan tâm có ai ngợi khen công việc hoàn hảo của mình hay không.
Người nổi bật luôn được người khác phát hiện. Dù đã thành sáo ngữ nhưng câu này vẫn đúng: Hữu xạ tự nhiên hương. Điều tốt đẹp sẽ luôn được chiếu sáng. Người vượt trội trong chúng ta sẽ không bao giờ bị níu lại
(Đời ngắn đừng ngủ dài – Robin Sharma)
1. Trong văn bản tác giả đã cho rằng con người luôn “thèm khát” và “muốn” điều gì?
2. “Nhưng vai trò lãnh đạo không chỉ là cố gắng trở nên tốt đẹp dưới mắt người khác. Nó còn là phấn đấu cho một đại nghiệp”. Anh/chị hiểu ý nghĩa của những câu nói đó là gì?
3. Tác giả đã chỉ ra những tố chất của một nhà lãnh đạo. Anh/chị dựa vào văn bản liệt kê những tố chất đó?
4. Theo em “hữu xạ tự nhiên hương là gì”. Tác giả bài viết cho rằng câu này luôn luôn đúng. Anh/chị có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?
5. Qua văn bản, tác giả muốn gửi tới đọc giả thông điệp gì?
II. PHẦN LÀM VĂN
1. Bằng đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của lời khen ngợi trong xã hội ngày nay.
2. Phân tích đoạn thơ sau:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Giữa muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
(Sóng – Xuân Quỳnh)
----------------------------------------------------------------------------------------
ĐỀ 2
I. ĐỌC HIỂU
“Khi tôi ở Dubai để trình bày về vai trò lãnh đạo cho tổ chức của các doanh nghiệp trẻ, một phụ nữ tiến đến và nói: “Thưa ông, tôi rất thích sách của ông, nhưng hình như ông khiến nó có vẻ quá dễ dàng. Việc phát triển trong cuộc sống quả là khó đối với tôi.” Câu nói ấy khiến tôi suy nghĩ nhiều. Sau đây là quan điểm của tôi.
Chúng ta đang sống trong một thế giới bị sự dễ dàng cám dỗ. Ta muốn vẻ bề ngoài mạnh khỏe và cân đối, nhưng lại không muốn luyện tập để đạt được nó. Ta muốn thành công trong sự nghiệp nhưng lại tự nhủ giá như có một cách nào đó để thành công mà không phải làm việc vất vả và tuân theo kỷ luật (moi nhà điều hành vĩ đại cũng như các công ty lớn đều rất kỷ luật). Ta ước mơ một cuộc đời tràn đầy niềm vui, không nỗi sợ, nhưng lại thường xuyên tránh né các biện pháp hiệu quả nhất (như dậy sớm, chấp nhận rủi ro, lập mục tiêu, đọc sách), những điều chắc chắn sẽ đưa ta đến lý tưởng của mình. Chẳng có gì miễn phí. Chẳng có buổi tiệc nào thực sự là buổi chiêu đãi. Điều tốt đẹp trong cuộc đời luôn đòi hỏi hi sinh và tận hiến. Mỗi chúng ta, để đạt tới một con người duy nhất và vượt trội trong nghề nghiệp, đều phải trả giá. Càng trả giá nhiều, càng nhận nhiều.
Mong muốn một cuộc đời tốt đẹp, ở nhà cũng như ở công sở, mà không phải làm việc và giữ kỷ luật trong những việc quan trọng cần làm, thì chẳng khác nào mong muốn có một khu vườn đẹp mà chẳng phải gieo trồng gì cả. Hoặc giống như ước mơ có được thân hình người mẫu mà không chịu từ bỏ những thỏi chocolate hàng ngày. Hoặc giống như cầu xin được thành công trong công việc bằng cách uống một viên thuốc thần kỳ. Tại sao không tận tâm và cống hiến?
Cuộc đời vĩ đại không từ trên trời rơi xuống. Mà phải được đẽo gọt và xây dựng, như đền Taj Mahal, như Vạn Lý Trường Thành, ngày qua ngày, viên gạch này nối tiếp viên gạch khác. Việc kinh doanh thành công đâu phải tự nhiên mà có. Chúng đến từ những nố lực và phát triển liên tục không ngừng. Đừng rơi vào ảo tưởng rằng cuộc đời tốt đẹp sẽ đến mà không cần nỗ lực. Hãy nỗ lực hết mình, và điều tốt đẹp sẽ đến với bạn. Chắc chắn thế.
(Đời ngắn đừng ngủ dài – Robin sharma)
1. Trong văn bản, tác giả đã khẳng định: “Chúng ta đang sống trong một thế giới bị sự dễ dàng cám dỗ”. “Sự dễ dàng cám dỗ” đó là những gì?
2. Theo tác giả, con người chắc chắn sẽ đạt được lý tưởng của mình là nhờ những yếu tố nào?
3. “Chẳng có gì là miễn phí”, “Chẳng có bữa tiệc nào thực sự là buổi chiêu đãi”, “cuộc đời vĩ đại không từ trên trời rơi xuống”, “việc kinh doanh thành công đâu phải tự nhiên mà có”, anh/chị hiểu ý nghĩa của những câu nói phủ định đó là gì?
4. Thông điệp mà tác giả gửi đến anh/chị qua văn bản? Anh/ chị có đồng ý với quan niệm của tác giả: “Điều tốt đẹp trong cuộc đời luôn đòi hỏi hi sinh và tận hiến”?
II. PHẦN LÀM VĂN
1. Bằng đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ anh/chị trình bày suy nghĩ của mình cách thức để có được cuộc đời thành công
2. Phân tích đoạn thơ sau:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vàn cách trở”
(Sóng – Xuân Quỳnh)
----------------------------------------------------------------------------------------
ĐỀ 3
I.ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi phía dưới
Có một thử thách Perdu tự đặt cho mình đó là dẫn đường cho những người (đa phần là đàn ông) ngày ngày phải tiếp xúc với lòng tham, với sự lợi dụng quyền lực và với bản chất dã tràng của công việc văn phòng vào thế giới sách vở. Thật thỏa mãn làm sao khi một trong những người gọi dạ bảo vâng khổ sở ấy từ bỏ cái công việc đã tước đoạt tận cùng sự độc đáo của họ! Và thường thì một cuốn sách luôn góp phần vào công việc giải phóng này.
“Cậu thấy đấy, Jordan”, Perdu nói, dùng đến một cách tiếp cận khác, “một cuốn sách vừa là bác sĩ vừa là thuốc chữa bệnh. Nó đưa ra chuẩn đoán bệnh đồng thời lại cung cấp cả liệu trình điều trị. Đúng sách đúng bệnh: đó là cách mà tôi bán sách.”
“Tôi hiểu rồi. Cuốn tiểu thuyết của tôi là nha sĩ trong khi người phụ nữ kia lại cần bác sĩ phụ khoa.”
“Chậc…không phải thế”
“Không ư?”
“Sách còn hơn cả bác sĩ, dĩ nhiên rồi. Có cuốn thì là một người bạn đời đầy âu yếm; có cuốn thì cho ta một cú bạt tai; cuốn khác thì như một người bạn ủ ta trong khăn ấm khi ta rơi vào những nối buồn mùa thu. Và có cuốn…chậc, có cuốn như cây kẹo bông mà hồng làm đầu óc ta chộn rộn lên trong vòng ba giây và để lại một khoảng trống hạnh phúc. Như một cuộc tình bỏng cháy, ngắn ngủi.”
(Trang 41 – 42 – Hiệu sách nhỏ ở Paris – Nina George)
1.Chỉ ra phong cách ngôn ngữ trong văn bản? Nêu đặc trưng của phong cách ngôn ngữ đó?
2.Phương thức biểu đạt của văn bản? Tại sao anh/chị lựa chọn phương thức biểu đạt đó?
3.Trong văn bản có mấy nhân vật nào? Họ là ai? Họ làm nghề gì? Họ đang nói về vấn đề gì?
4.Từ văn bản và từ sự hiểu biết của mình, anh/chị hãy trình bày vai trò của sách đối với mỗi người?
5.Từ những lời nói, hành động của Perdu, anh/chị hiểu Perdu là người như thế nào? Có nhiều người làm cùng nghê với Perdu nhưng không phải ai cũng có được quan điểm và cách thức làm việc như vậy. Theo anh/chị sự khác biệt của Perdu và những người làm cùng nghề với Perdu (anh/chị hẳn đã gặp trong thực tế cuộc sống) là gì?
II.PHẦN LÀM VĂN
1.Bằng đoạn văn nghị luận 200 chữ, hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về thực trạng đọc sách của giới trẻ trong xã hội ngày nay
2.Phân tích đoạn thơ sau:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
(Sóng – Xuân Quỳnh)
----------------------------------------------------------------------------------------
ĐỀ 4
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi phía dưới:
“Thông thường, ông vẫn tỏ ra điềm nhiên như không trước những mong muốn, lời lăng mạ hay mọi thói kỳ dị của khách hàng. Ông chia họ thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên bao gồm những người mà sách là luồng gió mát lành duy nhất trong cuộc sống bí bức thường ngày. Những khách hàng yêu thích của ông. Họ tin tưởng ông sẽ chỉ cho họ đúng thứ họ cần. Hoặc họ sẽ thổ lộ những điểm yếu của mình, giả dụ như: “Đừng chọn những cuốn có núi, hay thang máy hay quang cảnh này nọ nhé – tôi vốn sợ độ cao.” Một vài người sẽ hát cho ông Perdu nghe những bài hát trẻ con, mà nói đúng hơn là rống lên: “Na nà, na nà, na na ná – ông biết bài đó chứ?” với hi vọng ông chủ tiệm sách cừ khôi sẽ nhớ ra giúp họ rồi chìa ra một cuốn sách có những giai điệu thuở ấu thơ của họ. Đa phần ông luôn tìm được một cuốn khớp với mấy bài hát đó. Đã từng có thời ông hay ca hát.
Nhóm khách thứ hai đặt chân lên Lulu, tên cũ của chiếc thuyền sách thả neo bên Post des Champs – Elysees vì họ bị hấp dẫn bởi cái tên của tiệm sách: La pharmacie litteraire, Hiệu thuốc văn chương. Họ ghé qua để mua mấy tấm bưu thiếp tưng tửng (“Đọc sách giết chết định kiến” hay “Người đọc sách không nói dối – hay ít ra là không làm hai việc ấy cùng lúc”) hoặc những cuốn sách mini đựng trong lọ thuốc màu nâu, hay là để chụp ảnh.
Nhưng nhóm khách này vẫn còn thú vị chán so với nhóm khách thứ ba, những người cứ nghĩ mình là vương là tướng nhưng, bất hạnh thay, lại chẳng có được phong thái của bậc vương giả. Chẳng buồn nói: “Chào buổi sáng” hay thậm chí là nhìn ông một cái trong khi sờ sẩm từng cuốn sách một bằng mấy ngon tay nhoe nhoét dầu mỡ dây ra từ món khoai tây chiên ăn dở, họ đặt câu hỏi cho Perdu mà quá bằng mắng ông: “ Ông không có băng dán urgo à? Hay giấy vệ sinh in truyện trinh thám? Sao ông lại không bán gối hơi du lịch? Hiệu thuốc sách thì phải bán cái thứ đó”
(Trang 25 -26 – Hiệu sách nhỏ ở Paris – Nina George)
1. Chỉ ra phong cách ngôn ngữ văn bản? Nêu đặc trưng của phong cách ngôn ngữ đó?
2. Phương thức biểu đạt của văn bản là gì? Tại sao anh/chị lựa chọn phương thức biểu đạt đó?
3. Nhân vật “ông” trong văn bản tên gì? Làm nghề gì? Là người như thế nào?
4. Hiệu sách trong văn bản tên là gì? Có điều gì đặc biệt ở hiệu sách này?
5. Trong văn bản, tác giả đã chỉ mấy loại khách hàng? Đó là những kiểu khách hàng nào? Qua văn bản, tác giả muốn đề cập tới thực trạng gì của đời sống?
II. PHẦN LÀM VĂN
1. Bằng đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ, anh/chị trình bày về thực trạng văn hóa đọc sách trong xã hội ngày nay.
2. Phân tích đoạn trích “Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm) để làm sáng rõ tư tưởng đất nước của nhân dân.
-----------------------------------------------------------------------------------
ĐỀ 5
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản trên và trả lời câu hỏi phía dưới:
“Lão già khuỵu xuống hai đầu gối và con thú giờ chỉ còn cách lão năm mét, dữ dội tung mình lên phía trước, khoe lộ tất cả bộ móng và hàm răng của nó.
Một sức mạnh nào đó của nó đã bắt lão phải đợi tới khi con thú đạt tới độ cao đỉnh điểm trong cú tung mình ấy. Và lão bóp cò. Con thú đông cứng lại giữa không trung, cơ thể nó xoắn về một bên, và rơi xuống thật nặng nề, ngực nó bị xé tung bởi phát đạn kép.
Antonio Jose Bolivar Proano chậm chạp đứng dậy. Lão bước tới bên cái xác của con thú và rùng mình khi thấy một loạt đạn đã xé toang nó. Ngực nó giờ là một vết thương ngoác miệng to khủng khiếp, những vụn phổi và ruột bắn tung qua lưng nó.
Con thú thậm chí còn to hơn cả trong ý nghĩ của lão lần đầu tiên trông thấy nó. Dù đã gầy mòn đi nhiều, nó vẫn là con thú tuyệt vời, một vẻ đẹp, một kiệt tác duyên dáng không thể nào có lần thứ hai, dù chỉ trong tưởng tượng.
Lão già vuốt ve nó, quên đi cơn đau trên bàn chân và mặc những giọt nước mắt tủi hổ rơi xuống, dâng lên cái cảm giác đê tiện, nhục nhã, chẳng một chút nào vinh quang chiến thắng.
Đôi mắt lão mờ đi vì nước mắt và mưa, lão đẩy xác con thú ra bờ sông, và nước mang nó đi, vào lòng rừng xanh sâu thăm, về nơi không có một người da trắng nào có thể làm vấy đục, về thượng nguồn Amazon, về xoáy nước khủng khiếp nhất, nơi nó sẽ bị tàn hủy bởi những miếng đá sắc nhọn, vĩnh viễn tránh xa những con người ghê tởm.
Và, trong cơn điên giận bùng cháy, lão quăng khẩu súng đi, lặng nhìn nó chìm xuống không sủi tăm chút hào quang. Một con quái vật bằng kim loại bị tất cả các loài sinh vật sống khinh miệt.
Antonio Jose Bolivar Proano tháo bộ răng giả ra, gói vào chiếc khăn tay và vừa nguyền rủa tên ngoại bang đã gây ra tấn bi kịch này, viên thị trưởng, lũ săn vàng, tất cả đã làm ô uế Amazon trong trắng của lão, lão vừa chặt lấy một cành cây thật chắc chắn . Tựa vào nó, lão lên đường trở về El Idilio, về căn lều của lão, về với những cuốn tiểu thuyết kể truyện tình bằng những lời đẹp nhất, để đôi khi giúp lão quên đi sự tàn ác của con người.
(Trang 183 – 184 - Lão già mê đọc tình – Luis Seppulveda)
1.Phong cách ngôn ngữ trong văn bản là gì? Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ đó?
2.Phương thức biểu đạt chính của văn bản?
3.Trong văn bản tác giả đã đề cập tới “tấn bi kịch”. Theo anh/chị tấn bi kịch đó là gì? Nguyên nhân gây ra tấn bi kịch đó? Trong xã hội ngày nay tấn bi kịch đó còn không?
4.Khi hạ gục con thú lão Antonio Jose Bolivar Proano có cảm xúc và hành động gì? Tại sao lại có cảm xúc và hành động đó? Anh/chị thấy lão Antonio Jose Bolivar Proano là người như thế nào?
5.Thông điệp mà tác giả gửi đến qua văn bản là gì?
II. PHẦN LÀM VĂN
1. Bằng đoạn văn nghị luận 200 chữ, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề bảo vệ môi trường trong xã hội ngày nay.
2. Phân tích hình tượng “em” trong bài thơ “Sóng” (Xuân Quỳnh)
----------------------------------------------------------------------------------------
ĐỀ 6
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi phía dưới
“Phải mất vài trăm năm các nhà sản xuất nước sốt mới tự hỏi chính mình, “Sao người dùng cứ phải dốc ngược chai thủy tinh lên chỉ để lấy ra vài giọt nước sốt tí tẹo chứ? Và chính vì vậy, trong vài năm qua, một số nhà sản xuất đã bắt đầu sản xuất những chai nước sốt bằng nhựa bóp được và có hình úp xuống. Hàng triệu người giờ đây có thể thưởng thức nước sốt mà không phải trầy trụa cả tay vì dốc chai.” Sammuel mỉm cười.
“Tôi có cảm giác là ông đang muốn dẫn đến một điều gì đó”, Jerome thận trọng
“Tất nhiên. Tôi muốn nói rằng chẳng cần thiết phải phát minh một loại bánh xe khác làm gì. Những phát minh vĩ đại nhất của loài người đều chỉ là việc cải tiến những cái có sẵn. Cải tiến ở đây mang ý nghĩa là dùng những cái có sẵn và tìm cách làm cho nó đơn giản hơn, dễ sử dụng hơn và hiệu quả hơn”
Jerome cầm ống muối lên và xem xét một hồi. “Xem nào”, hắn bắt đầu. “Lỗ cần rộng hơn để muối khỏi bị tắc lại”
“Không tệ chút nào”, Samuel mỉm cười.
“Cái này có liên quan gì đến trí tuệ Do Thái không vậy?”, Jemore hỏi.
“Có chứ, ít nhiều liên quan”Samuel khẳng định. Chúng ta đã nói đến việc người Do Thái phát triển một thứ bản năng sinh tồn đòi hỏi họ phải để ý rất kỹ đến sự thay đổi không ngừng của hoàn cảnh xung quanh mình, khả năng thích ứng với những thay đổi này và một nguyên tắc căn bản đó là không được coi bất cứ điều gì là hiển nhiên. Người Do Thái luôn cố gắng giữ một bộ óc cởi mở. Sự cởi mở này cho họ một hiểu biết quan trọng – không việc gì phải phát minh ra một loại bánh xe khác. Cứ sử dụng cái đã có sẵn theo cách phù hợp với nhu cầu của mình nhất. Tất nhiên, nhiều người Do Thái có những ý tưởng tác động đến toàn nhân loại nhưng họ cũng đủ khôn ngoan để tiếp thu những tinh hoa của các nền văn hóa và những con người sống quanh họ, để đáp ứng nhu cầu của mình. Ở một khía cạnh nào đó, họ là những người bắt chước sáng tạo.”
“Những con người bắt chước sáng tạo”, tôi nói.
“Một người bắt chước sáng tạo là người áp dụng có hiệu quả một thứ đã có sẵn để phù hợp với nhu cầu của mình và cải tiến thứ đó. Một tấm đệm chỉ là một chiếc chiếu được cải tiến, một chiếc ô tô chỉ là một chiếc xe ngựa tinh vi...”
(Trang 116 -117 – Trí tuệ Do Thái – Eran Katz)
1. Trong văn bản có những nhân vật nào? Họ là ai? Họ đang nói về điều gì?
2. Trong văn bản, tác giả đã chỉ ra đặc điểm của những người bắt chước sáng tạo. Đó là những đặc điểm gì? Liệt kê những bắt chước sáng tạo được chỉ ra trong văn bản?
3.Qua văn bản anh/chị hiểu gì về người Do Thái?
4.Thông điệp tác giả muốn gửi tới anh/chị qua văn bản là gì?
II. PHẦN LÀM VĂN
1. Bằng đoạn văn nghị luận 200 chữ, anh/chị trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề sáng tạo để thành công trong cuộc sống ngày nay.
2. Phân tích đoạn thơ sau:
“Khi ta lớn lên Đất Nước ta có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng
Đất nước có từ ngày đó…
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
---------------------------------------------------------------------------------------
ĐỀ 7
I. ĐỌC HIỂU
Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
“Ta đến rồi ta đi
Bao lần anh có nhớ
Dưới vòm cây lặng lẽ
Dưới vòm cây chờ mong
Cánh buồm trôi ngoài sông
Bò tập cày trên bãi
Nâu một vùng đất mới
Đợi tay người gieo trồng…
Anh có đi cùng em
Đến những miền đất lạ
Đến những mùa hái quả
Đến những ngày thương yêu
Qua nắng sớm mưa chiều
Qua chặng đường tàn phá
Qua rất nhiều nỗi khổ
Qua rất nhiều niềm vui…
Anh có nghe hoa rơi
Quanh chỗ mình đứng đó
Hoa ơi sao chẳng nói
Anh ơi sao lặng thinh
Đốt lòng em câu hỏi:
“Yêu em nhiều không anh?”
(Mùa hoa doi – Xuân Quỳnh)
1. Phong cách ngôn ngữ của văn bản? Những đặc trưng của phong cách ngôn ngữ đó được thể hiện qua văn bản?
2. Trong văn bản có mấy nhân vật? Nhân vật trữ tình trong văn bản là ai? Nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc gì?
3. Chỉ ra ba biện pháp tu từ nghệ thuật trong văn bản? tác dụng của những biện pháp tu từ nghệ thuật đó?
4. Bài thơ được viết theo thể thơ gì? Vì sao anh/chị biết điều đó?
II. PHẦN LÀM VĂN
1. Bằng đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ, hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về một tình yêu đẹp.
2. Phân tích đoạn thơ sau:
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “ con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.”
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
---------------------------------------------------------------------------------------
ĐỀ 8
I. ĐỌC HIỂU
Đọc bài thơ và trả lời câu hỏi:
“Làm sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng, tuổi ngọc – tôi ngờ lời ai
Thuở ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy, theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín cỏ may
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm
Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Thế rồi xinh đẹp là em
Em ra tỉnh học em quên một người
Cái hôm nghỉ Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…”
(Lời thề cỏ may – Phạm Công Trứ)
1. Bài thơ có mấy nhân vật? Đó là những nhân vật nào? Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? Nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc gì?
2. Nhân vật “em” thay đổi như thế nào?
3. Bài thơ vừa có yếu tố tự sự vừa có yếu tố trữ tình.Đâu là những yếu tố tự sự, đâu là những yếu tố trữ tìn h?
4. Tìm và chỉ ra ba biện pháp tu từ nghệ thuật trong bài thơ? Nêu tác dụng?
II. PHẦN LÀM VĂN
1. Bằng đoạn văn nghị luận 200 chữ anh/chị trình bày suy nghĩ của mình sức mạnh của yêu thương trong cuộc sống.
2. Phân tích đoạn thơ sau:
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em
Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao hồ để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình, núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đât Nước bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
----------------------------------------------------------------------------------------
ĐỀ 9
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
Chàng đi như người mộng du
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
(Đàn ghi ta của Lorca – Thanh Thảo)
1. Bài thơ viết theo thể thơ gì? Tại sao anh/chị biết điều đó? Thể thơ trong bài thơ có gì đặc biệt?
2. Nhân vật được đề cập đến trong đoạn thơ là ai?
3. Đoạn thơ thể hiện tình cảm gì của tác giả?
4. Tìm và chỉ ra đặc sắc nghệ thuật của của 2 biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ?
II. PHẦN LÀM VĂN
1. Bằng đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ, anh/chị trình bày suy nghĩ của mình về sức mạnh của tình đoàn kết trong đại dịch Covid.
2. Phân tích đoạn thơ sau:
“Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh tên làng tên xã trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xưa.”
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
----------------------------------------------------------------------------------------
Học văn - Thi văn
Ts: Trần The đt:0982.767.745
Khai giảng
@ Học văn Thi văn
Khai giảng vào tất cả các ngày trong tuần
Khung giờ học:
G [8h-11h]
H [13h-14h30]
I [15h-18h]
K [18h30-21h30]
Gọi 0982.767.745
để tìm hiểu thêm
Cấu trúc lớp
Lớp tập trung:
Sỹ số: 5 - 15 bạn
Lớp kèm riêng:
Sỹ số: 1 - 4 bạn
Học phí
Lớp tập trung *:
100.000 đ/ca
Lớp kèm riêng *:
300.000 đ/ca
Học bổng
Học sinh đạt học lực giỏi được giảm giá 10% cho kì học tiếp theo
Địa điểm
@ Trụ sở
Cs 1 :Số 48A - Lý Thường Kiệt - HN
Cs 2 :Số 91 -Dương Quảng Hàm - HN
Áp dụng cho
- Tất cả các lớp